Lợi dụng nhu cầu tăng cao dịp cuối năm, nhiều trang web giả mạo rao bán vé máy bay với mức giá 'siêu rẻ'. Các đối tượng lừa đảo sử dụng đủ chiêu trò từ mạo danh hãng bay đến việc gửi mã đặt chỗ giả để lấy tiền cọc rồi biến mất.
Mới đây, Công an Hà Nội đã phát đi cảnh báo tình trạng nhiều hội nhóm rao bán vé máy giá rẻ bất ngờ, yêu cầu người mua chuyển tiền đặt cọc, sau đó chiếm đoạt. Theo các hãng hàng không, cuối năm nhu cầu đặt vé máy bay tăng cao; tần suất xuất hiện các trang web lừa đảo, có tên miền gần giống chính hãng tăng lên… Do vậy, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác.
Chị Mai Hải Nguyên (quê Hải Phòng) hiện đang sinh sống ở TP.HCM cho hay vài hôm trước chị đặt mua vé máy bay Tết ngày 24-1-2025 (25 tháng chạp) chặng TP.HCM - Hải Phòng của Vietnam Airlines, nhưng giá vé chỉ 2 triệu đồng/người.
Ngạc nhiên vì giá quá rẻ trong khi bạn bè phải mua từ 3,5 đến gần 4 triệu đồng/người, sau khi xem kỹ tên miền, chị Nguyên phát hiện đều là hàng giả, gần giống trang web của Vietnam Airlines (https://www.vietnamairlines.com/) như: vietnamairslines.com, vietnamaairlines.com, vietnamairlinesvn.com, vemaybayvietnam.com…
"Rất may tôi phát hiện kịp thời nên ngưng chuyển tiền. Nếu lỡ chuyển rồi, họ khóa máy, không liên lạc được thì biết đòi ai", chị Hải Nguyên nói. Tuy vậy, không phải ai cũng cảnh giác như chị Nguyên, vì thực tế đã có một số khách hàng bị lừa đảo.
Trước đó, một hãng hàng không ghi nhận trường hợp khách mua vé khứ hồi nội địa cho gia đình 5 người qua một công ty, nhưng khi đến sân bay check-in mới phát hiện công ty chỉ đặt chỗ chứ không xuất vé, nên gia đình này phải mua lại vé khác rất tốn kém.
Theo Vietnam Airlines, các trang web giả mạo thường yêu cầu khách hàng thanh toán qua các tài khoản cá nhân, sau đó không cung cấp vé hợp lệ hoặc các dịch vụ thực tế. Nhiều đại lý cấp 2 hiện cũng lợi dụng danh nghĩa "đại lý cấp 1" để tạo lòng tin với khách hàng.
Họ thường giao dịch trực tuyến, chỉ cung cấp mã đặt chỗ (booking) thay vì xuất vé chính thức. Do vậy, khách có thể gặp rủi ro khi đến sân bay và phát hiện rằng mã đặt chỗ của mình không hợp lệ hoặc chưa được xuất vé.
Các chiêu thức lừa đảo còn bao gồm việc giả danh hãng hàng không, gửi email hoặc tin nhắn thông báo khách hàng "trúng thưởng" hoặc có "ưu đãi vé máy bay đặc biệt". Khi khách hàng truy cập vào đường link kèm theo, kẻ gian có thể yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin thẻ tín dụng để chiếm đoạt tài sản.
Cục Hàng không Việt Nam thông tin phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng mạo danh đại lý, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức.
Tiếp đến, các đối tượng lừa đảo sẽ quảng cáo nhiều mức giá hấp dẫn, "siêu rẻ" so với mặt bằng chung để thu hút khách. Chỉ cần khách liên hệ, đối tượng sẽ đặt chỗ, gửi khách mã đặt chỗ để làm tin, yêu cầu chuyển tiền thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, đối tượng không xuất vé và cắt liên lạc…
Để tránh trở thành "con mồi" của các đối tượng lừa đảo, Vietnam Airlines khuyến cáo khách hàng nên kiểm tra kỹ tính xác thực của đại lý và yêu cầu được cung cấp mã vé chính thức từ hãng. Khách chỉ truy cập vào trang web chính thức của hãng hoặc các đại lý uy tín để đặt vé, không thực hiện giao dịch qua tài khoản cá nhân không rõ nguồn gốc.
Hãng hàng không luôn có thông tin thanh toán minh bạch, không yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng qua các đường link lạ trong email, tin nhắn, cảnh giác với các chương trình khuyến mãi quá hấp dẫn...
Bên cạnh đó, khách hàng cần tránh nhấp vào các đường link không rõ nguồn gốc và không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng qua email hoặc tin nhắn.
Thêm nữa, mạng xã hội, đặc biệt các hội nhóm Facebook và Zalo, cũng là nơi các đối tượng lừa đảo đăng bán vé máy bay giả với mức giá "siêu rẻ" để thu hút người mua như mùa cao điểm Tết. Khi khách chuyển tiền, họ có thể nhận được một mã vé, nhưng sau đó mã này sẽ bị hủy hoặc hoàn vé, khiến khách hàng không thể lên máy bay.
Thông tin từ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, đơn vị thường xuyên tiếp nhận các thông tin, phản hồi của người dân về việc mua trúng hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nhãn hiệu, trong đó có việc đặt mua trúng vé dỏm.
Trước thực trạng "nở rộ" của mạng xã hội cùng nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cảnh báo khách hàng phải tỉnh táo, cảnh giác với những món hời từ "trên trời rơi xuống" để tránh mất tiền vào tay kẻ gian.
Cảnh báo website giả mạo Tổng công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo (26) 20/11/2024
Xuất hiện tài khoản Facebook giả mạo Phòng CSGT Công an Bình Thuận (26) 14/11/2024
Công an TP HCM cảnh báo thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp lừa tiền chạy án (30) 13/11/2024
Lập trang fanpage giả danh bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy lừa gạt người bệnh (37) 31/10/2024
Cảnh giác với hội nhóm 'Tư vấn sức khỏe' trên mạng xã hội (45) 28/10/2024
Cảnh báo lừa đảo khi cung cấp thông tin ứng dụng eTax Mobile hoàn thuế (49) 28/10/2024
Cảnh giác hình thức lừa đảo 'việc nhẹ lương cao' (47) 21/10/2024
Cảnh báo cuộc gọi lừa đảo đòi nợ tiền điện (50) 14/10/2024
Cảnh giác lừa đảo trực tuyến bằng ứng dụng giả mạo định danh công dân (45) 14/10/2024
Liên tiếp xuất hiện các văn bản giả mạo Sở Y tế Đắk Lắk (54) 09/10/2024