Nhiều người bỗng nhiên bị thêm tài khoản vào các nhóm Zalo, Telegram lạ để làm nhiệm vụ nhận tiền hoa hồng "khủng" - bước đầu của một kịch bản lừa đảo "việc nhẹ lương cao".
Mặc dù các kịch bản lừa đảo "việc nhẹ lương cao" đã được cơ quan công an cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng cảnh báo rất nhiều, không ít người vẫn bị vướng vào cái bẫy đã giăng sẵn vì những món tiền "từ trên trời rơi xuống" xuất phát từ nhóm chat Zalo hay Telegram hoàn toàn xa lạ.
Anh Thành Long (quận 10, TP.HCM) mới đây bị những người không quen biết thêm (add) tài khoản Zalo vào một nhóm chat có tên "Quà ý nghĩa..." để tham gia chương trình tặng quà tri ân đến từ một công ty lạ. Số lượng thành viên trong nhóm này khá đông, nhưng người quản trị nhóm (admin) khá "thoáng tay" khi sẵn sàng tặng quà là tiền chuyển thẳng vào ngân hàng của người tham gia.
Ở ngày đầu tiên, ngoài việc điểm danh, các thành viên còn được hướng dẫn làm một số "nhiệm vụ" nhỏ để nhận tiền từ 20.000 đồng tới 50.000 đồng vào tài khoản khi hoàn thành. Trong nhóm, một vài "thành viên" khác liên tục hối mọi người cùng làm theo, đồng thời đăng ảnh bằng chứng nhận tiền. Theo các chuyên gia, những tài khoản này thực chất là "chim mồi" được thêm vào nhằm kích thích tâm lý của người tham gia khác, là một phần của kịch bản lừa đảo ở từng giai đoạn khác nhau.
Chỉ trong ngày đầu tiên, anh Thành Long thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và nhận được tổng số tiền lên tới 600.000 đồng, trước khi chủ nhóm thông báo dừng các hoạt động của ngày, hẹn qua hôm sau tiếp tục điểm danh và cung cấp nhiệm vụ mới.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, sau màn điểm danh, làm nhiệm vụ, người chơi được đưa bảng giá "nạp VIP" với lợi nhuận tức thì lên tới 40%. Chỉ cần chuyển khoản số tiền tương ứng với cấp VIP mong muốn, sẽ được "hoàn trả" nguyên gốc kèm tiền thưởng để kích thích họ nạp các mức cao hơn. Đến một mức nhất định, chúng sẽ thông báo người chơi may mắn được đưa vào nhóm đặc biệt, nếu đồng ý thì chuyển tiền phí tham gia.
Tuy nhiên sau khi đồng ý tham gia, nhóm "VIP" này yêu cầu nạp số tiền rất lớn, tối thiểu 50 triệu đồng, phổ biến là 100 - 150 - 200 triệu đồng. Khi không đồng ý nộp sẽ bị xóa khỏi nhóm, đồng thời mất luôn toàn bộ số tiền đã đóng để làm lệ phí. Vì lo sợ, không ít người cuống cuồng đi vay để nạp và chính thức sập bẫy kịch bản của chúng.
Những kẻ điều hành đường dây lừa đảo khi bị người dùng nói sẽ tố cáo với cơ quan công an còn buông lời thách thức lực lượng chức năng "đụng" được tới chúng.
Không chỉ sử dụng kịch bản thao túng tâm lý, lừa nạn nhân vào cái bẫy "việc nhẹ lương cao", những kẻ gian đứng sau các chiêu trò còn hướng dẫn "con mồi" cài đặt ứng dụng lậu của chúng qua các đường dẫn tới website lạ, không có trên các kho phần mềm chính thống. Điều này có nghĩa các chương trình không đạt tiêu chuẩn về bảo mật nên không thể được duyệt.
Khi người dùng cài những phần mềm khả nghi, không rõ nguồn gốc này vào máy, mã độc ẩn giấu có thể thực hiện các cuộc tấn công âm thầm, chiếm quyền điều khiển từ xa hoặc mở "backdoor" cho tin tặc tự do thu thập thông tin cá nhân, dữ liệu nhạy cảm của người dùng như danh bạ, ảnh, video, tài khoản ngân hàng...
Đã có rất nhiều vụ lừa đảo liên quan đến cài phần mềm từ bên ngoài sau đó bỗng mất tiền trong tài khoản mà nạn nhân không kịp có phản ứng. Những chương trình này có giao diện và ảnh đại diện nhìn bình thường, hoặc giống với các phần mềm uy tín, nhưng khi cài vào máy sẽ đòi rất nhiều quyền kiểm soát không liên quan đến chức năng mà chúng đang ngụy trang như quyền truy cập danh bạ, hình ảnh, tin nhắn, bộ nhớ, cuộc gọi, dữ liệu nhập từ bàn phím...
"Tuyệt đối không cài lên điện thoại các ứng dụng do người lạ hướng dẫn thực hiện, được gửi từ đường link dẫn đến website. Người dùng máy Android chỉ nên cài phần mềm từ CH Play trên máy, còn người sử dụng iPhone sẽ cài từ kho App Store tích hợp sẵn. Mọi chương trình cài ngoài đều tiềm ẩn rất nhiều rủi ro lộ lọt thông tin, đánh cắp tài khoản ngân hàng, chiếm quyền kiểm soát điện thoại", một chuyên gia bảo mật khuyến cáo.
Nguồn: thanhnien.vn/canh-giac-hinh-thuc-lua-dao-viec-nhe-luong-cao-185241015151541406.htm;Cảnh báo website giả mạo Tổng công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo (25) 20/11/2024
Xuất hiện tài khoản Facebook giả mạo Phòng CSGT Công an Bình Thuận (26) 14/11/2024
Coi chừng mua trúng vé máy bay 'siêu rẻ' nhưng 'siêu dỏm' dịp Tết (34) 13/11/2024
Công an TP HCM cảnh báo thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp lừa tiền chạy án (30) 13/11/2024
Lập trang fanpage giả danh bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy lừa gạt người bệnh (36) 31/10/2024
Cảnh giác với hội nhóm 'Tư vấn sức khỏe' trên mạng xã hội (43) 28/10/2024
Cảnh báo lừa đảo khi cung cấp thông tin ứng dụng eTax Mobile hoàn thuế (48) 28/10/2024
Cảnh báo cuộc gọi lừa đảo đòi nợ tiền điện (49) 14/10/2024
Cảnh giác lừa đảo trực tuyến bằng ứng dụng giả mạo định danh công dân (44) 14/10/2024
Liên tiếp xuất hiện các văn bản giả mạo Sở Y tế Đắk Lắk (54) 09/10/2024