Với thủ đoạn lập các fanpage trên mạng xã hội, đối tượng lừa đảo mời gọi nạn nhân tham gia, tư vấn mua thuốc để chữa bệnh, sau đó lừa tiền rồi biến mất.
Ngày 28.10, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo từ các nhóm kín "Tư vấn sức khỏe" xuất hiện trên mạng xã hội thời gian gần đây.
Theo Cục An toàn thông tin, mới đây, bà D.N.L (55 tuổi, ngụ tại TP.HCM) bị bệnh xương khớp lâu năm nên có tham gia một số nhóm kín về tư vấn sức khỏe để giao lưu, cũng như chia sẻ kinh nghiệm về căn bệnh của mình.
Trên nhóm có đăng một số bài quảng cáo sản phẩm thuốc đông y, cam kết 100% hiệu quả. Thấy có khuyến mãi nên bà đã mua về sử dụng và được gửi ngay sau đó. Khi nhận sản phẩm, nhận thấy thuốc hơi khác, bà có đến phòng mạch để hỏi bác sĩ thì bác sĩ tư vấn là thuốc này hoàn toàn không có tác dụng điều trị bệnh khớp.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo, hiện nay, tình trạng lừa đảo trên các trang mạng xã hội diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau, điển hình có thể kể đến là tình trạng lừa đảo từ các nhóm kín "tư vấn sức khỏe", hành vi này không chỉ khiến người dân thiệt hại về tài sản mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe vì có nguy cơ sử dụng phải thuốc giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thủ đoạn chung của các đối tượng trên là tạo lập các fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội hoặc gọi điện nhằm lôi kéo nạn nhân tham gia. Ban đầu, các đối tượng mời tham gia các hội nhóm rồi gọi điện tư vấn mua thuốc đông y để chữa bệnh cùng chương trình khuyến mãi hấp dẫn, như được dùng thuốc miễn phí trong 5 năm và được bảo hiểm hoàn trả 80% tiền thuốc đã điều trị.
Tại đây, các đối tượng sẽ chia sẻ trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để mô tả tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm hoặc mô tả công dụng thực phẩm giống như một kinh nghiệm thực tế hay nhân chứng sống của người từng bị bệnh để tăng thêm sức thuyết phục. Với tình trạng bệnh chữa trị lâu năm nhưng không khỏi và những lời mời có cánh trên mạng, các nạn nhân này đã bị đối tượng lừa đảo hàng triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, kẻ lừa đảo liền mất liên lạc.
Trước thủ đoạn lừa đảo nói trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tuyệt đối cẩn trọng trước các dịch vụ khám chữa bệnh, bán thuốc trên mạng xã hội. Trước khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, hãy kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế, thực hiện xác minh qua website của các cơ quan y tế uy tín hoặc từ nguồn tin đáng tin cậy.
Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng khám chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.
Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Nguồn: thanhnien.vn/canh-giac-voi-hoi-nhom-tu-van-suc-khoe-tren-mang-xa-hoi-185241028145216548.htm;Cảnh báo website giả mạo Tổng công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo (26) 20/11/2024
Xuất hiện tài khoản Facebook giả mạo Phòng CSGT Công an Bình Thuận (26) 14/11/2024
Coi chừng mua trúng vé máy bay 'siêu rẻ' nhưng 'siêu dỏm' dịp Tết (34) 13/11/2024
Công an TP HCM cảnh báo thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp lừa tiền chạy án (30) 13/11/2024
Lập trang fanpage giả danh bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy lừa gạt người bệnh (37) 31/10/2024
Cảnh báo lừa đảo khi cung cấp thông tin ứng dụng eTax Mobile hoàn thuế (49) 28/10/2024
Cảnh giác hình thức lừa đảo 'việc nhẹ lương cao' (47) 21/10/2024
Cảnh báo cuộc gọi lừa đảo đòi nợ tiền điện (50) 14/10/2024
Cảnh giác lừa đảo trực tuyến bằng ứng dụng giả mạo định danh công dân (44) 14/10/2024
Liên tiếp xuất hiện các văn bản giả mạo Sở Y tế Đắk Lắk (54) 09/10/2024