Sau vụ người phụ nữ bị lừa đảo 850 triệu đồng qua điện thoại, bạn đọc kiến nghị cần áp dụng sinh trắc học đối với tài khoản doanh nghiệp, tài khoản nhận tiền.

Vụ lừa đảo 850 triệu đồng qua điện thoại: Cần xác thực sinh trắc học cho tài khoản nhận tiền

Hầu hết các hoạt động lừa đảo tại Nga đều bắt đầu bằng một cuộc gọi di động - Ảnh minh họa: iStock

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh Gia Lai vừa ngăn chặn thành công vụ lừa đảo qua điện thoại, thu hồi 850 triệu đồng cho bị hại.

Thủ đoạn của kẻ lừa đảo là giả danh công an gọi điện thoại, gửi đường link cho nạn nhân rồi chiếm quyền điều khiển, lấy thông tin cá nhân của bị hại để ép chuyển tiền sang tài khoản doanh nghiệp "ma" nhằm xóa dấu vết.

Theo bạn đọc, cơ quan chức năng phải quyết liệt xóa doanh nghiệp "ma", tài khoản "ma", hạn chế tình trạng lừa đảo qua tài khoản doanh nghiệp "ma".

Rà soát, khóa tài khoản doanh nghiệp "ma"

Một số bạn đọc cho biết bản thân từng bị lừa đảo qua điện thoại số tiền lớn nhưng không thể thu hồi được. 

Bạn đọc Nguyễn Dũng thông tin bị lừa bán hàng trên trang thương mại điện tử giả mạo hơn 1 tỉ đồng. Khi sao kê năm tài khoản ngân hàng chuyển tiền vào đều là tài khoản doanh nghiệp.

Tương tự bạn đọc Lê Xuân Hợp thông tin bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản 223 triệu đồng và cũng qua xác thực sinh trắc học.

Tài khoản NTMT cho hay: "Tôi cũng bị lừa chuyển tiền vào tài khoản doanh nghiệp, tôi có tra cứu thì doanh nghiệp này có mã số thuế hẳn hoi. Liệu tôi có lấy lại tiền đã mất không, chứ gọi báo đường dây nóng của cơ quan chức năng họ bảo không lấy được, chỉ có mất".

Theo bạn đọc Thọ Đào, hiện nay việc thành lập doanh nghiệp mới rất dễ. 

Do đó kiến nghị nhà nước có cơ chế để cơ quan công an phối hợp với ngành thuế và hải quan rà soát các doanh nghiệp "ma", các doanh nghiệp không hoạt động.

Nếu trong một khoảng thời gian nào đó mà không phát sinh các hoạt động kê khai thuế, hay xuất nhập khẩu thì đưa vào diện theo dõi xem có hoạt động lừa đảo, rửa tiền hay mua bán hóa đơn không.

Còn bạn đọc laicuong đề nghị tổng kiểm tra doanh nghiệp trên toàn quốc. "Tại sao lại nhiều doanh nghiệp "ma" như thế? Từ bán hóa đơn, lừa đảo qua mạng.. đủ cả.

Doanh nghiệp nào tới trụ sở mà không có biển báo, không liên hệ được với giám đốc thì cho vào danh sách đen. 

Dán thông báo một tháng không tới trình diện thì dừng sử dụng hóa đơn, khóa tài khoản ngân hàng. Việc trình diện phải đích danh đại diện pháp luật của doanh nghiệp, không ủy quyền.

Nhiều người bị mua thông tin căn cước công dân mà bỗng dưng thành giám đốc. Việc kiểm tra, quản lý doanh nghiệp phải thay đổi chứ không thể để tình trạng lỏng lẻo như hiện nay" - bạn đọc laicuong bình luận.

Cần áp dụng sinh trắc học cho tài khoản doanh nghiệp và người nhận

Trong khi đó nhiều bạn đọc kiến nghị cần áp dụng xác thực sinh trắc học cho cả loại tài khoản doanh nghiệp và tài khoản người nhận tiền.

Bạn đọc tên Lan nói rằng nhận diện sinh trắc học chỉ yêu cầu người chuyển tiền là không đủ để ngăn lừa đảo, phải yêu cầu cả phía người nhận mới an toàn.

Bạn đọc Đoàn Hòa đề nghị phải quy định thêm: "Rút tiền từ tài khoản chuyển đến từ 10 triệu trở lên cũng phải thực hiện sinh trắc học. 

Doanh nghiệp rút tiền thì chủ tài khoản phải thực hiện sinh trắc học. Việc này đối với người ngay không tốn thêm thời gian bao nhiêu, nhưng lại giúp ngăn chặn kẻ lừa đảo.

Tài khoản nguy****@gmail.com có ý kiến: "Đáng lẽ bên nhận chuyển khoản phải xác thực khuôn mặt thì bọn xấu khó nhận tiền hơn. 

Tài khoản của doanh nghiệp phải có xác thực khuôn mặt của người đại diện như giám đốc hay kế toán trưởng, thì không có chuyển khoản vòng vo được. Nếu chuyển được thì cơ quan chức năng cũng dễ điều tra hơn".

Còn bạn đọc Bùi Đức Thắng cho rằng lừa đảo qua mạng còn quá nhiều, cơ quan an ninh mạng phải có kế hoạch, phương án để triệt tiêu những đối tượng này.