Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan phương án xây dựng mở rộng Cảng hàng không Cà Mau.
Trước năm 2030, sân bay Cà Mau sẽ được xây dựng mới các hạng mục như đường cất hạ cánh dài 2.400 m, rộng 45 m về phía bắc, cách đường cất hạ cánh hiện hữu 180 m; đường lăn và sân đỗ đảm bảo 4 vị trí đỗ máy bay tầm trung; nâng cấp nhà ga hành khách để có thể khai thác một triệu khách mỗi năm.
Đến năm 2050, Cảng hàng không Cà Mau tiếp tục được cải tạo đường cất hạ cánh đã có thành đường lăn song song; xây mới đường cất hạ cánh dài 2.400 m, rộng 45 m ở phía nam và cách đường lăn song song 180 m; xây dựng các đường lăn nối, khu hàng không dân dụng ở phía bắc.
ACV tính toán kế hoạch mở rộng Cảng hàng không Cà Mau cần khoảng 38 tháng, trong đó việc điều chỉnh quy hoạch sân bay, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt chủ trương đầu tư khoảng 6 tháng, xây dựng trong 32 tháng.
Theo quy hoạch tổng thể ngành hàng không, Cảng hàng không Cà Mau đến năm 2030 là sân bay cấp 4C (đảm bảo tiếp nhận các máy bay tầm trung như A321/320/310 hoặc Embraer 195), công suất một triệu khách mỗi năm; giai đoạn đến năm 2050 là sân bay cấp 4C, công suất 3 triệu khách mỗi năm.
Sân bay Cà Mau có từ thời Pháp, quy mô cấp 3C, đường cất hạ cánh dài 1.500 m, rộng 30 m, đáp ứng khai thác loại tàu bay thương mại loại nhỏ như ATR72, Embraer E190 và tương đương, nhà ga có công suất chỉ 200.000 khách mỗi năm.
Nhiều năm qua, cảng chỉ khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TP HCM bằng máy bay ATR72 và ngược lại với tần suất 4 chuyến mỗi tuần. Bamboo Airways vào giữa năm nay đã khai thác chặng Hà Nội - Cà Mau bằng máy bay Embraer song đã tạm dừng.
Anh Duy