Một bệnh nhân bị lóc toàn bộ da đầu do máy cuốn sợi đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM phẫu thuật cấp cứu nối lại thành công.

 
Lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy nối thành công toàn bộ da đầu bị lóc cho bệnh nhân

Một tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân bị lóc toàn bộ da đầu đã có sức khỏe tốt, tóc mọc dài - Ảnh: THU HIẾN

Ngày 20-2, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ bị máy cuốn sợi lóc toàn bộ da đầu.

Bệnh nhân là chị K.O. (28 tuổi, Tây Ninh), nhập viện ngày 18-1 trong tình trạng lóc toàn bộ da đầu và đứt vành tai, lộ xương sọ.

Nguyên nhân do trong quá trình làm việc tại nhà máy kéo sợi, khi cúi người xuống gần máy cuốn đã bị lực hút máy cuốn vào làm lóc toàn bộ da đầu, bệnh nhân không có đồ bảo hộ.

Lập tức chị O. được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu (Tây Ninh) sơ cứu và được chuyển Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, sau đó tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Các công nhân tại nhà máy kéo sợi cũng đã nhanh chóng lấy toàn bộ da đầu bị lóc của chị O. bỏ vào túi ni lông, bảo quản bằng đá và đưa đến bệnh viện.

Ngay khi tiếp nhận người bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, làm các xét nghiệm, khám chuyên khoa và không phát hiện tổn thương sọ, nội sọ.

Ngay sau đó các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau đã quyết định phẫu thuật cấp cứu, nối lại toàn bộ phần da đầu bị lóc cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật kéo dài 4,5 tiếng và đã thành công, bệnh nhân được theo dõi sát. Sau 1 tháng tóc bệnh nhân đã mọc lại, hồi phục ngoạn mục.

Lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy nối thành công toàn bộ da đầu bị lóc cho bệnh nhân

Phần da đầu bị máy cuốn lóc toàn bộ sau phẫu thuật hồi phục ngoạn mục - Ảnh: THU HIẾN

TS.BS Ngô Đức Hiệp - trưởng khoa phỏng - phẫu thuật và tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân bị lóc toàn bộ da đầu do tai nạn lao động và được phẫu thuật nối lại thành công.

Khó khăn nhất khi phẫu thuật là da đầu bị lóc ra, các mạch máu nuôi gần như bị giập nát, gây khó khăn khi nối lại cho bệnh nhân.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã chia làm 2 ê kíp, 1 ê kíp tìm mạch máu da đầu và 1 ê kíp tìm mạch máu của bệnh nhân. Toàn bộ phẫu thuật đều thực hiện dưới kính hiển vi.

Thành công của ca phẫu thuật do tận dụng được thời gian vàng để nối lại da đầu cho bệnh nhân, các công nhân bảo quản da đầu đúng cách và cách xử trí đúng của tuyến trước.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết nữ giới tóc dài làm việc trong môi trường lao động có máy quay, máy hút cần phải chú ý an toàn lao động. 

Khi gặp tai nạn lao động, các chi thể phải được bảo quản đúng cách là cột lại để trong túi ni lông và bỏ vào thùng nước đá, nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế trong thời gian trước 6 tiếng. Không được bỏ chi thể, phần cơ thể trực tiếp nước đá vì có thể làm tổn thương tế bào, làm chết chi thể cần bảo vệ.

Trên thực tế có khá nhiều bệnh nhân lóc da đầu đến quá trễ và không bảo quản đúng cách rất vất vả khi tìm được da đầu thay thế.

 
 
 
 
 
https://tuoitre.vn/lan-dau-tien-benh-vien-cho-ray-noi-thanh-cong-toan-bo-da-dau-bi-loc-cho-benh-nhan-20240220154533412.htm