'Đóng' kẽ hở tâm lý và trang bị kiến thức cơ bản có thể giúp người dùng tỉnh táo và tránh xa được những cái bẫy đã giăng sẵn khi tham gia môi trường trực tuyến.

Sự phát triển của internet, công nghệ và mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích, kết nối con người với nhau nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức, thay đổi. Thời gian qua, tình trạng lợi dụng mạng xã hội để lan truyền tin giả, độc hại cũng như biến môi trường này thành công cụ tiếp tay cho các hành vi lừa đảo tinh vi ngày càng gia tăng, biến tướng không ngừng.

Trước thực trạng đó, Báo Thanh Niên tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Đề kháng" với thông tin độc, hại và lừa đảo qua mạng, với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia về công nghệ, bảo mật thông tin, dịch vụ trực tuyến, cùng với các bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên - đại diện cho nhóm người dùng tiếp xúc nhiều với môi trường internet. Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ ngày 8.12 tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF).

Làm sao để không thành nạn nhân của thông tin độc hại và lừa đảo qua mạng?

Mạng xã hội và các công cụ internet phát triển đang bị kẻ gian lợi dụng

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM; TS Huỳnh Văn Thông - Trưởng Bộ môn Truyền thông, khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM; Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch MoMo; Ông Philip Hùng Cao, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ An ninh Mạng VinCSS; Bà Nguyễn Thị Như Lan, CEO Bệnh viện Thẩm mỹ Nam An.
Theo TS Huỳnh Văn Thông, chống tin giả, tin xấu, độc hại không chỉ là “cuộc chiến" tại Việt Nam mà còn là bài toán nan giải ở quy mô toàn cầu. “Nếu không có kỹ năng phân biệt đâu là tin thật, đâu là tin xấu độc hại thì rất có thể chính mỗi người trở thành cánh tay nối dài cho những kẻ đứng phía sau", TS Huỳnh Văn Thông nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, Báo Thanh Niên đã cùng với các cơ quan quản lý nỗ lực đẩy lùi vấn nạn tin giả, vạch trần các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, thông qua các bài viết, các video cùng các hoạt động sau mặt báo. Thông qua buổi tọa đàm lần này, Báo Thanh Niên và các nhà quản lý, chuyên gia hy vọng đóng góp những thông tin thiết thực để người dùng internet nói chung tại Việt Nam và các bạn trẻ nói riêng có thể trang bị đủ kiến thức, từ đó có thể tự bảo vệ mình trước vấn nạn tin giả, tin độc hại… tránh trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo trực tuyến. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm ra mắt báo điện tử Thanh Niên.

 
 
 
https://thanhnien.vn/lam-sao-de-khong-thanh-nan-nhan-cua-thong-tin-doc-hai-va-lua-dao-qua-mang-185231206080033643.htm